Truy xuất nguồn gốc lâm sản chưa phụ thuộc vào kết quả phân loại doanh nghiệp
Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) vừa có Công văn số 184/KL-ĐT trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc đề nghị hướng dẫn về thủ tục phân loại doanh nghiệp theo Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT.
Công văn nêu rõ, phúc đáp Văn bản số 180422 ngày 18/4/2022 của Công ty cổ phần Greatwood và Văn bản số 009/NHVC ngày 20/4/2022 của Công ty TNHH TM XNK Nhân Hòa về việc đề nghị hướng dẫn về thủ tục phân loại doanh nghiệp theo Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT, Cục Kiểm lâm có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị định số 102) thì các quy định về quản lý gỗ xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu gỗ tại Mục 2 Chương II Nghị định số 102 chưa có hiệu lực thi hành.
Vì vậy, hiện nay hồ sơ gỗ xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, mà chưa phụ thuộc vào kết quả phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng thực hiện theo quy định pháp luật.
Về phân luồng kiểm tra của Hải quan, từ ngày 01/5/2022, doanh nghiệp có hoạt động chế biến đồng thời với hoạt động xuất khẩu gỗ thực hiện phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 102 và Thông tư số 21; kết quả phân loại doanh nghiệp làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước áp dụng chế độ quản lý khác nhau giữa doanh nghiệp Nhóm I và doanh nghiệp Nhóm II. Vì vậy, kết quả phân loại doanh nghiệp cũng là một trong các nguồn thông tin để cơ quan Hải quan xem xét, quyết định phân luồng hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Gỗ Việt