VI / EN

Ông Võ Quang Hà: Tôi muốn người Việt Nam được thụ hưởng những sản phẩm tốt nhất

Khi thị trường xuất khẩu bị tác động mạnh bởi Covid -19, thị trường trong nước đã chứng minh được vai trò quan trọng cho doanh nghiệp (DN), trong đó có DN ngành gỗ. Thực tế này cũng cho thấy những dự cảm về một sự dịch chuyển mới của ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) là có cơ sở, với mong muốn mang lại lợi ích trọn vẹn cho ngành gỗ và người dùng Việt Nam. Trong những ngày đầu tiên của mùa Xuân mới, ông Võ Quang Hà đã dành thời gian chia sẻ với Tạp chí Gỗ Việt về những hoạt động đang được triển khai, những kế hoạch vừa được định hình: Cùng làng nghề tiếp lửa cho chuỗi cung ứng nội địa.

Sự xuất hiện của làng nghề Liên Hà của Hà Nội tại chợ gỗ đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhiều doanh nghiệp trong ngành. Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về Liên Hà?

Ông Võ Quang Hà: Xã hội ngày càng phát triển thì người tiêu dùng càng quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có việc sử dụng gỗ hợp pháp. Đây là vấn đề cần và thiết yếu, điều này sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng dù sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều làng nghề lại không thật sự chú trọng, thậm chí thả nổi vấn đề về gỗ nguyên liệu hợp pháp. Chúng tôi muốn thay đổi thói quen này và quan trọng hơn, các làng nghề phải là hạt nhân đầu tiên tuân thủ các hiệp định thương mại, các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã kí về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Muốn vậy, cần thay đổi mạnh mẽ thói quen từ làng nghề và xây dựng một môi trường và thị trường nội địa với những sản phẩm gỗ hợp pháp. Tôi đánh giá cao sự hiện diện của Liên Hà tại chợ gỗ, nó đã tạo ra một nhận thức mới cho các làng nghề về việc sử dụng gỗ hợp pháp, về tầm quan trọng của mẫu mã thiết kế, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng trong nước và các phân khúc thị trường có ý nghĩa ra sao. Với thị trường hiện nay, việc liên kết là tất yếu khi ngành gỗ đã tạo được không gian để phát triển bền vững hơn, cả về thương hiệu và giá trị, tập trung khai thác thị trường nội địa, nắm được các khuynh hướng sử dụng sản phẩm gỗ của các nhóm tuổi cũng như các mức chi chi tiêu của người tiêu dùng nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình liên kết này ra các làng nghề khác nhằm tạo ra mạng lưới rộng khắp cả nước, đưa người tiêu dùng Việt đến với các sản phẩm gỗ Việt Nam nhanh hơn.

Vấn đề là ông thuyết phục các doanh nghiệp tham gia vào chợ gỗ Tây như thế nào ?

Ông Võ Quang Hà: Với tôi, bản chất của việc xây dựng chợ gỗ là góp phần tạo ra chuỗi bền vững trong ngành gỗ và tạo ra giá trị 100% cho các ngành. Chợ gỗ cũng tạo ra các chuỗi phân phối hợp lý cho thị trường nội địa, khi các doanh nghiệp quá chú trọng tập trung vào các dự án và xuất khẩu mà bỏ mặc thị trường nội địa cho các làng nghề. Một điểm yếu của các làng nghề truyền thống là không có thiết kế, chỉ làm theo mẫu và cạnh tranh bằng giá, đó là điều không đúng đối với thị trường nội địa. Tôi muốn mang lại lợi ích thật sự không chỉ cho các làng nghề, các doanh nghiệp, cho ngành gỗ mà cho cả người tiêu dùng cuối, những người xứng đáng được thụ hưởng những sản phẩm tốt nhất.

Nếu các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng thị trường nội địa, điều gì sẽ khiến họ tin tưởng và tham gia vào mô hình chợ gỗ? 

Ông Võ Quang Hà: Ngành gỗ đã phải rất nỗ lực để tạo ra được uy tín của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nó là niềm tự hào và giá trị của người Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ điều đó với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và cùng nhau phát triển tốt hơn thị trường trong nước, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tương tự người Nhật hay người Hàn Quốc phát triển thị trường nội địa trước khi nói đến chuyện xuất khẩu. Tôi được biết rằng, các doanh nghiệp cũng mong muốn đưa sản phẩm vào thị trường nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn vì không tìm được kênh phân phối phù hợp, không thể mở cửa hàng bán lẻ vì chi phí mặt bằng cao, dẫn đến đội giá sản phẩm, làm mất ưu thế cạnh tranh giá. Thêm nữa, lượng đặt hàng từ nhà bán lẻ nội địa còn ít, không thể đưa vào sản xuất hàng loạt, nên chợ gỗ sẽ tạo ra một nguồn cung cấp sản phẩm gỗ giá sỉ.

Đại dịch không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung, mà còn thiết lập lại thị trường, đề cao nhu cầu tiêu dùng theo hướng bền vững hơn. Trong điều kiện mới này, ông nghĩ mục tiêu nào phù hợp với chợ gỗ trong năm 2021 và những năm sau đó?

Ông Võ Quang Hà: Tôi hi vọng tất cả những người tham gia vào chợ gỗ đều sẽ có chung tầm nhìn với TAVICO, có chung cách suy nghĩ về thị trường trong nước, về chuỗi giá trị thật sự của ngành gỗ. Chúng ta sẽ cùng khai thác thật sự tốt thị trường 100 triệu người tiêu dùng này trong năm 2021. Covid-19 đã tác động rất lớn và làm ảnh hưởng lớn tới thị trường nội địa. Năm 2020, các gian hàng tại chợ gỗ Tây không tấp nập bằng năm trước, các hoạt động mua - bán ảm đạm, thậm chí bị đình trệ, nên đơn vị cung cấp nguyên liệu cũng bị giảm sút. Thế nhưng, ngay đầu năm 2021, đã có nhiều tín hiệu vui khi chúng ta cùng nhìn thấy sự thay đổi ở thị trường để đón nhận những cơ hội mới. Các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp trong nước, cần đánh giá và xem xét lại cách thức sử dụng gỗ theo một cách mới nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu và phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa.

Như ông nói, liên kết giữa Tân Vĩnh Cửu và Liên Hà có thể là mô hình tốt để thúc đẩy các làng nghề tạo được bước đột phá về thị trường?

Ông Võ Quang Hà: Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng, không có cách nào tốt hơn là liên kết. Cách đây 3 năm, khi TAVICO mở chợ nội thất đầu tiên để khai thác thị trường nội địa, đã mang tới cho chúng tôi sự hiểu biết sâu về thị trường nội địa. Sức sống tại các làng nghề làm đồ gỗ rất dẻo dai, trải qua những biến động của thị trường, các làng nghề vẫn duy trì, tồn tại và phát triển. Một khi doanh nghiệp gỗ và làng nghề cùng tập trung nguồn trí tuệ, tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và tinh hoa của làng nghề, sẽ tạo không gian cho sáng tạo, sự tươi mới cho thương hiệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Thị trường luôn vận động, với xu hướng tiêu dùng sử dụng gỗ bền vững ngày càng cao. Sự liên kết này cần phát triển thành liên kết nhóm, bởi chỉ có liên kết nhóm mới mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp và làng nghề xây dựng thương hiệu và phát triển vững chắc.

Đất nước và ngành gỗ Việt Nam đang bước vào Xuân, chúng tôi hi vọng từ mô hình liên kết của Tân Vĩnh Cửu và Liên Hà sẽ là nền tảng tốt cho phát triển liên kết nhóm, góp phần nâng cao thương hiệu và sự phát triển chung của ngành gỗ Việt Nam. Chúc ông và TAVICO thành công trong năm mới. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Cẩm Lê (Gỗ Việt số 130, tháng 11/2021)





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang