VI / EN

Nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ hồi phục trong nửa cuối năm 2023

 

Xuất khẩu gỗ giảm sâu có đáng lo ngại?

Trong những năm qua, với nỗ lực của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với con số ấn tượng trên đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Viên nén vẫn được kỳ vọng là mặt hàng xuất khẩu mang về giá trị kim ngạch lớn trong năm 2023. Ảnh: Vũ Long


Theo Bộ NNPTNT, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - khẳng định: Trong khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp luôn tự tìm hướng đi hợp lý để duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển.
"Năm 2022 cũng là năm khó khăn với ngành gỗ khi xuất khẩu gỗ dán, nội thất giảm sâu, nhưng xuất khẩu viên nén, dăm gỗ tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã đón đầu xu hướng và thành công, mang lại giá trị kim ngạch lớn. Năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh, ước giá trị kim ngạch xuất khẩu tương đương năm trước" - ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Theo đánh giá của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 này nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại, lượng tiêu thụ ước đạt 100.000 tấn/tháng. Thông tin cho thấy, tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này.

Như vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm trong 5 tháng đầu năm, nhưng dự kiến xuất khẩu của ngành gỗ có thể được cải thiện tốt trong nửa cuối năm 2023 để mang về giá trị xuất khẩu không thua kém năm 2022.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức

Theo đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021–2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10.3.2022, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ…

Được sự ủng hộ của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Sở Công thương tỉnh Bình Dương, Hội chợ máy và nguyên liệu Gỗ Quốc tế Bình Dương 2023 (gọi tắt là BIFA WOOD VIETNAM 2023) sẽ diễn ra từ ngày 9-12.8.2023 tại Bình Dương, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, với gần 800 gian hàng... đến từ nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, BIFA WOOD VIETNAM 2023 được tổ chức thường kỳ sẽ là sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tiếp cận với sản phẩm, công nghệ tiên tiến, là cơ hội để tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu.

Nguồn: Báo Lao Động





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang