VI / EN

Ngành gỗ Việt Nam cần

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đã có những chia sẻ khá chi tiết về tương lai của ngành chế biến gỗ trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại tự do. Dưới đây là toàn văn bài viết được ông Trần Quốc Khánh gửi đến bạn đọc:

Có hai sự kiện có tính chất hoàn toàn đối lập. Sự kiện thứ nhất đại diện cho sự đối đầu, đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung. Sự kiện thứ hai đại diện cho sự hợp tác giữa các quốc gia, đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

2 sự kiện thật khác nhau, nhưng giữa chúng có một điểm chung. Đó là, chúng đều có khả năng gây tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Và đó cũng là lý do chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay.

Sự kiện thứ nhất: Xung đột thương mại Mỹ - Trung

Trước hết, tôi xin nói về xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Kể từ khi bắt đầu vào tháng 7/2018, xung đột thương mại Mỹ Trung đã leo thang rất nhanh. Lúc đầu, diện mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế chỉ là 818 mặt hàng, trị giá khoảng 34 tỷ USD, mức thuế 25%, sau tăng lên 50 tỷ USD, cùng mức thuế 25%. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm gỗ nào bị đánh thuế trong số 50 tỷ này.

Đến tháng 9/2018, Mỹ quyết định đánh thuế bổ sung vào 200 tỷ USD xuất khẩu nữa của Trung Quốc, mức thuế là 10%, dự kiến sẽ tăng lên 25% nếu Trung Quốc và Mỹ không đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt xung đột. Gói 200 tỷ sau cùng này đã bao gồm một số sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Trung Quốc.

Một số chuyên gia nhận định đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí đầu tư vào chế biến gỗ cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.

Họ nói không sai bởi trong thương mại quốc tế, chênh lệch thuế 10% là đủ lớn để cân nhắc việc dịch chuyển đơn hàng đối với các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp; nếu chênh lệch thuế lên đến 25%, sẽ diễn ra sự dịch chuyển đơn hàng ở cấp độ lớn, kể cả đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thậm chí là xem xét dịch chuyển đầu tư.

Vấn đề cần bàn ở đây là xu hướng đó có thực sự lớn và thực sự bền vững hay không và nếu như nó xảy ra, Việt Nam nên đón nhận nó như thế nào?

Độ lớn và độ bền vững của xu hướng sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là, mức thuế mà Mỹ đánh vào sản phẩm của Trung Quốc. Hai là, mường tượng của các chuỗi cung ứng về thời gian kéo dài cuộc chiến.

Nếu mức thuế chỉ là 10%, sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp như các loại ván dán, ván dăm. Nếu mức thuế là 25%, sự dịch chuyển sẽ diễn ra ở diện rộng hơn, bao gồm cả những mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn như đồ gỗ nội thất.

Nếu chuỗi cung ứng có lý do để tin rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài thì kể cả với mức thuế 10%, họ sẽ cân nhắc rất nghiêm túc về việc dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi bởi dù sao chúng ta cũng là nước XK sản phẩm gỗ thứ 5 thế giới, khả năng chế biến gỗ đã được chứng minh.

Nhưng một khi mức thuế vẫn được giữ ở mức 10% và Mỹ - Trung đã thống nhất không leo thang thêm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 1/1/2019, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chờ đợi. Dịch chuyển đơn hàng có thể vẫn diễn ra nhưng quy mô sẽ không đủ lớn để có thể gọi là "xu hướng". Cho tới giờ này, vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận vẫn tồn tại, và không hề nhỏ bởi suy cho cùng, xung đột thương mại là không có lợi cho cả 2. Vì vậy, có lẽ vẫn còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là "cơ hội lớn" cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Một yếu tố nữa rất cần được lưu ý là nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để "lẩn tránh" mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây bởi hành vi "lẩn tránh" này bởi người Mỹ sẽ không ngại ngần áp một mức thuế "chống lẩn tránh" lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.

Trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc "lẩn tránh" như vậy đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh mức thuế trên thị trường Mỹ hay không.

Tóm lại, cơ hội là có, nhưng có thể không lớn như ta tưởng. Đồng thời, cơ hội đó có thể đi kèm với rủi ro do các hành vi "lẩn tránh" gây ra, đòi hỏi tất cả chúng ta, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đều phải hết sức chú ý. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hải quan và các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp để chống lại hành vi "lẩn tránh" này.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi kêu gọi không tiếp tay cho các hành vi "lẩn tránh", đồng thời tăng cường quan sát, theo dõi thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có sự bất thường, tránh để ngành gỗ Việt Nam, thay vì nắm bắt được cơ hội, lại trở thành nạm nhân bất đắc dĩ trong xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. Ảnh: Nam Khánh - Đồ họa: Liên Hương.

Sự kiện thứ hai: Các FTA

Xung đột thương mại Mỹ - Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng, có thể là không nhỏ, nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển về kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Bởi, nếu cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12/11/2018 vừa qua. Ngày 15/11/2018, tại Papua New Guinea, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao thông báo cho Chính phủ New Zealand về việc VN đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chính thức mở ra các thị trường mới đối với Việt Nam là Mexico, Canada và Peru.

Năm 2017, chúng ta xuất khẩu vào Canada khoảng 128 triệu USD. 10 tháng đầu năm 2018 đã đạt 131 triệu USD, cao hơn cả năm 2017 và dự kiến cả năm sẽ đạt trên 140 triệu USD. CPTPP sẽ mở ra cơ hội đối với các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3.5% sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất cũng sẽ có cơ hội lớn bởi mức thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9.5% cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay lập tức.

Mexico hiện chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao, dao động từ 10% tới 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên hết sức lưu ý tìm hiểu thị trường này và có sự chuẩn bị tiếp cận bởi trong CPTPP, Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Cơ hội sẽ lớn dần theo thời gian, khi mức thuế được giảm dần về 0% theo lộ trình.

Hiệp định EVFTA, như đã biết, được kết thúc đàm phán vào cuối 2015. Hai bên đã dành nhiều thời gian và công sức để rà soát pháp lý Hiệp định. Công việc đã hoàn tất vào đầu 2017 và lẽ ra Hiệp định đã được ký vào năm 2017. Tuy nhiên, do có sự diễn giải mới về thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định tại Liên minh châu Âu nên Việt Nam và EU đã phải làm lại một số công đoạn, tách Hiệp định đã ký thành 2 Hiệp định riêng biệt, một quy định về bảo hộ đầu tư (được gọi là Hiệp định Đầu tư), một quy định về các vấn đề còn lại (được gọi là Hiệp định Thương mại).

Tiến trình tách 2 Hiệp định tuy không quá khó nhưng cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề kỹ thuật khiến 2 bên mất tới gần 1 năm để hoàn thành. Tới nay, việc tách Hiệp định đã xong, khâu dịch thuật sang hơn 20 thứ tiếng của Liên minh châu Âu và tiếng Việt cũng đã hoàn tất, Ủy ban châu Âu đã trình 2 Hiệp định sang Hội đồng châu Âu để xin phê chuẩn cho ký chính thức. Việt Nam cũng đang tiến hành các thủ tục nội bộ để có thể chính thức ký 2 Hiệp định. 2 bên cùng hy vọng sẽ ký được 2 Hiệp định vào đầu quý I/2019, sau đó trình ra Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam để xin phê chuẩn.

Nếu việc phê chuẩn EVFTA có thể diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì đây sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng đối với ngành (kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào EU năm 2017 là gần 750 triệu USD).

Thị trường EU có dung lượng khoảng 80-90 tỷ USD/năm. Sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chiếm chưa đầy 1% thị trường này nên tiềm năng phát triển là rất lớn khi EVFTA được đưa vào thực thi, nhất là ván dán (thuế hiện hành 7-10%, về 0% sau 5 năm); ván dăm (thuế hiện hành 7%, về 0% sau 5 năm), gỗ thanh (thuế hiện hành 3-4%, về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực) và đồ gỗ dùng cho nhà bếp (thuế hiện hành 2.7%, được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực).

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất khi định hướng tiếp cận thị trường EU lại không phải là Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu, cũng như tại nhiều thị trường lớn và quan trọng khác như Mỹ và Nhật Bản, hết sức quan tâm tới vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Họ đã và đang đặt ra yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.

Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ mới được ký với EU vào tháng 10 vừa qua. Nếu thành công trong việc thực thi FLEGT, cơ hội to lớn sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ trên thị trường EU mà còn ở cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, xin hãy thực hiện nghiêm Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của ngành chế biến gỗ ngày 8/8/2018 vừa qua, kiên quyết nói "không" với gỗ bất hợp pháp, từng bước xây dựng hình ảnh của một ngành chế biến gỗ không chỉ có chất lượng cao mà còn đầy trách nhiệm với cộng đồng.

Kinh doanh là sự tổng hòa giữa cơ hội và rủi ro. Có những điều tưởng là cơ hội, thí dụ như xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng đi sâu phân tích thì có thể thấy rủi ro cũng rất lớn hay ít nhất thì cơ hội cũng không lớn như ta tưởng. Có những điều tưởng như là sức ép, là thách thức, như tuân thủ Hiệp định FLEGT, nhưng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn thì đây lại chính là cơ hội.

Từ đây, có thể suy ra rằng, một ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả và chất lượng, đáp ứng được quy tắc xuất xứ Việt Nam, nói không với các hành vi "lẩn tránh", thực sự quan tâm đến người tiêu dùng, đáp ứng được yêu cầu của thời đại về bảo vệ môi trường, nói không với gỗ bất hợp pháp chắc chắn sẽ là một ngành có thể phát triển mạnh trong dài hạn mà không cần phải quá để ý đến việc Mỹ - Trung đang làm gì hay liệu bao giờ thì EVFTA được đưa vào thực thi.

Xin chúc ngành gỗ Việt Nam trở thành một ngành như thế.

(Theo NDH.)





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang