VI / EN

Ngành gỗ Bình Dương: Đổi tư duy để phát triển bền vững

Các chỉ số về sự phát triển của ngành gỗ trong năm qua tại Bình Dương đã chứng minh ngành gỗ có sức đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế, có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Một kế hoạch phát triển trung hạn (2021-2024) được Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương thông qua công bố hôm 17/12/2021, nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2024.  Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết, Hiệp hội sẽ ưu tiên: Tăng cường liên kết trong toàn chuỗi cung ứng ngành gỗ; gắn kết chặt chẽ với lợi thế địa phương và cả nước và xây dựng các khu/cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ để mở rộng quy mô sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong ngành.

Những con số biết nói

Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Dương gần như không có gì đáng kể sau những năm 2000. Nhưng đến năm 2018, giá trị xuất khẩu ngành gỗ của tỉnh này đã đạt 3,38 tỷ USD chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, con số này vào năm 2019 đạt 4,57 tỷ USD chiếm 44% tăng 35% so với năm trước đó. Kế đến năm 2020, Bình Dương đã chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành gỗ đạt 5,68 tỷ USD.

Đặc biệt, trong năm 2021, Bình Dương là một trong các tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, trải qua gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhưng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong 10 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 4,8 tỷ USD chiếm 42%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khôi phục sản xuất, số lượng lao động trở lại làm việc đạt khoảng 80% so với trước khi bùng phát dịch bệnh.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương tăng hàng năm (USD)
 

 

Nguồn Gỗ Việt phân tích từ dữ liệu Hải quan

Bình Dương đã bước sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khôi phục sản xuất và ngành gỗ cũng dần trên đà phục hồi, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương trong tháng 10 năm 2021 đã đạt 223,15 triệu USD tăng 20% so với tháng trước đó.
 

 

Nguồn Gỗ Việt phân tích từ dữ liệu Hải quan

Doanh nghiệp FDI đóng vai trò dẫn dắt

Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaizer, doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan bắt đầu đầu tư giai đoạn 1 vào tháng 3 năm 2004 ở Bình Dương, với 2.800 công nhân, chế biến và xuất khẩu 250 container sản phẩm gỗ mỗi tháng. Kaiser ngay từ giai đoạn ban đầu đã lựa chọn đầu tư bài bản. Năm 2004, khi kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt chỉ đạt 1,17 tỷ  USD thì Kaiser DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào ngành gỗ Việt với vốn đầu tư 70 triệu USD trên diện tích 30 ha. Giờ đây, sau gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, năng lực sản xuất của DN này đạt trên 1.000 container/tháng và có doanh số xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Số liệu thống kê từ nguồn của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, từ năm 1997 cho tới tháng 6 năm 2021 ngành gỗ Bình Dương đã nhận được trên 570 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2,57 tỷ USD, chiếm 51% về tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt và 37% về vốn đầu tư. 

Với lợi thế thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn, khối doanh nghiệp FDI đã và đang đóng vai trò đầu tàu của tỉnh này, các DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm trên 70% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Bình Dương, nhưng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 35% tổng số DN chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Năm 2018 doanh số xuất khẩu của khối DN FDI đạt 2,45 tỷ USD chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tỉnh Bình Dương, sang năm 2019, khối này chiếm 70%, đạt 3,22 tỷ USD, năm 2020 chiếm 73% tỷ trọng xuất khẩu của ngành gỗ tỉnh Bình Dương, đạt 41,2 tỷ USD, trong 10 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ USD chiếm 68%.

Giá trị xuất khẩu G&SPG của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương gia tăng hàng năm (USD)
 

 

Nguồn Gỗ Việt phân tích từ dữ liệu Hải quan

Một thực tế, tỉnh Bình Dương tuy nhiều doanh nghiệp gỗ nhưng nằm rải rác, không tập trung. Hơn nữa, ngành đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đang thúc đẩy việc kiến nghị Chính phủ và tỉnh Bình Dương nghiên cứu, quy hoạch một khu công nghiệp chuyên ngành dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350 ha trở lên.
 

Một khi Bình Dương xây dựng được khu công nghiệp chuyên ngành gỗ, việc tập hợp, chuyên môn hóa trong sản xuất sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy sản xuất lớn với quy trình được liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi sản xuất, phát triển ngành công nghiệp gỗ hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khu công nghiệp chuyên ngành này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp gỗ tiết kiệm chi phí vận chuyển, giao thương còn giúp địa phương giảm tải được sức nặng trong vấn đề giao thông. Hơn nữa, khi có khu công nghiệp tập trung chuyên ngành gỗ, việc hình thành phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo đà xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gỗ Việt, trở thành lợi thế lớn về quảng bá thương hiệu gỗ Việt đến thế giới.

Cẩm Thi (Gỗ Việt, số 140, tháng 12 năm 2021) 





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang