Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác và thương mại gỗ
Ngày 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 84/BNN-TCLN gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác và thương mại gỗ.
Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu gỗ thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ, bảo đảm tính minh bạch và tính hợp pháp của gỗ theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân ngành gỗ cam kết không sử dụng gỗ tịch thu vì mục đích thương mại; trừ các trường hợp hoạt động phục vụ ngoại giao, nghiên cứu khoa học, trao đổi giữa các vườn thực vật, bảo tàng, trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật trong nước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Báo cáo kết quả khuyến nghị doanh nghiệp, cá nhân cam kết không sử dụng gỗ tịch thu vì mục đích thương mại về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp) để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Trước đó, ngày 01/10/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Trưởng Đại diện Cơ quan thương mại Hoa Kỳ Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận gồm 20 điều, với mục tiêu tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, cải thiện thể chế quản lý rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái pháp luật; thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam.
Gỗ Việt