VI / EN

Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững

Hội thảo do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai (DOWA) tổ chức nhằm mục tiêu thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hình thành liên kết giữa các công ty và hộ gia đình tại làng nghề.

Toàn cảnh Hội thảo

Xu hướng thị trường đang thay đổi

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, văn hóa tiêu dùng ngành về đồ gỗ nội thất đang có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng cách tân, chứa nhiều giải pháp về công nghệ, sáng tạo. Đây là hướng đi vào sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, nhằm tạo để tạo ra sản phẩm hàm lượng công nghệ cao.

Đáng chú ý, các tập đoàn chế biến gỗ mạnh ở Trung Quốc đang mở chương trình rất lớn tại Việt Nam. Theo đó, mở các siêu thị và trưng bày các sản phẩm của Trung Quốc tại Việt Nam. Trong đó, các nhà máy sản xuất của Trung Quốc sẽ sản xuất tại Việt Nam và bán tại thị trường Việt Nam chứ không phải nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc bán tại thị trường Việt Nam để không phải chịu thuế 40% nhập khẩu.

Các sản phẩm này phù hợp với giới trẻ và phong trào chung của Việt Nam đó là sử dụng các nguyên liệu gỗ rừng trồng thay thế cho nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên, gỗ cứng.

Việc này cũng đưa ra những cảnh báo đối với các doanh nghiệp và làng nghề gỗ Việt Nam. Theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện nay, khi nói về ngành gỗ hay nói về xuất khẩu, kim ngạch bao nhiêu. Tuy nhiên, ngành gỗ của Việt Nam có một hợp phần rất quan trọng đó là thị trường nội địa với quy mô không hề nhỏ. Nhưng, hợp phần này chưa nhận được sự quan tâm chính đáng của cả cơ quan chính sách của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ. “Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó, 30-40% là gỗ rủi ro. Việc này đã và đang tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất khẩu. Vụ Điều tra 301 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2020 là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực này”, ông Đỗ Xuân Lập đánh giá.

Hà Nội: Làng nghề Gỗ bắt nhịp sản xuất, đón đơn hàng năm mới
Hà Nội: Làng nghề gỗ bắt nhịp sản xuất, đón đơn hàng năm mới

Về các làng nghề gỗ, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, tại Việt Nam có hơn 300 làng nghề với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề vẫn thiếu sự chuyên nghiệp, kết nối giữa làng nghề và các công ty ngành gỗ.

Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc loại bỏ gỗ rủi ro ra khỏi chuỗi cung, bảo gồm cả trong hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc này đòi hỏi các hộ sản xuất tại các làng nghề cũng cần chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu kém rủi ro.

Để làm được điều này không hề dễ mà cần hội tụ từ nhiều yếu tố, trong đó, cần cơ chế chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc tìm kiếm nguồn cung gỗ nguyên liệu thay thế cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra,… Việc này không chỉ là trách nhiệm của riêng làng nghề mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp,…

Liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề

Gần đây, đã hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) và các làng nghề phía Bắc là một điểm sáng. Tuy nhiên, để lan tỏa các mô hình này cần cơ chế chính sách cũng như sự vào cuộc của các bên liên quan, bao gồm cả các doanh nghiệp của ngành gỗ.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, làng nghề đã cùng nhau đánh giá thực trạng các mô hình liên kết giữa công ty sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ với các hộ tại các làng nghề truyền thống. Tập trung vào việc cung nguyên liệu gỗ đầu vào và thương mại sản phẩm đầu ra, tìm hiểu về các khía cạnh liên kết, bao gồm cả các thuận lợi và rủi ro của công ty và hộ khi tham gia liên kết.

Trong khuôn khổ của các liên kết này, thảo luận tìm ra các giải pháp từ khía cạnh của doanh nghiệp và các hộ tại các làng nghề nhằm phát huy thế mạnh trong liên kết, đặc biệt trong thúc đẩy kết nối thông tin, thay thế nguyên liệu gỗ đầu vào cho các làng nghề từ gỗ rủi ro sang các loại gỗ ít rủi ro hơn, thúc đẩy cải tiến công nghệ, tổ chức bao tiêu đầu ra sản phẩm… nhằm chuyển đổi các hộ làng nghề trở thành một bộ phận của chuỗi cung gỗ nội địa. Đồng thời, cùng nhau thảo luận các khía cạnh về chính sách nhằm thúc đẩy liên kết giữa 2 bên và nhân rộng mô hình liên kết trong tương lai.

“Với thế mạnh từng làng nghề, từng doanh nghiệp, việc cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất cho cả 2 trong việc giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”, ông Võ Quang Hà - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho hay.

Về phía làng nghề, ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho hay, với tay nghề cao của lao động, chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất các đơn hàng, sản phẩm mà phía các doanh nghiệp yêu cầu. Về vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề, chúng tôi cần sự cam kết của doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn ra cho sản phẩm, chứ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Ngành gỗ Việt Nam đã trở thành một trong những ngành mạnh nhất trong khối nông – lâm nghiệp hiện nay. Chuỗi cung của ngành hiện tại đa dạng về các bên tham gia, chủng loại sản phẩm, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra sản phẩm.

Hiện các cơ chế chính sách của ngành từ trước đến nay luôn trọng tâm vào khía cạnh xuất khẩu. Ở khâu phát triển nguyên liệu, các cơ chế chính sách vĩ mô bao gồm Luật Lâm nghiệp, Chiến lược phát triển lâm nghiệp tới 2030 và tầm nhìn đến 2050. Trong khi khâu xuất khẩu nhận được nhiều mối quan tâm của Chính phủ, khâu thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - đánh giá, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi, việc phụ thuộc vào xuất khẩu, hay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, hay cơ chế chính sách thay đổi theo hướng chính sách siết chặt…. Các sản phẩm gỗ quý ngày càng khó khăn trong lưu thông. Các loại gỗ quý cũng dần ít đi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro như vậy, vẫn có cơ hội cho các làng nghề, trong đó, có thể chuyển đổi nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào. Trên thực tế, một số công ty đã có mô hình liên kết với làng nghề và một số làng nghề đã có sự chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trong các làng nghề nhất là các làng nghề sử dụng gỗ quý không chỉ là việc riêng của các làng nghề mà là vấn đề của xã hội.

Trở lại câu chuyện về thị trường và cùng nhau hợp tác để nhằm vừa giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, về phía các cơ quan quản lý cần quan tâm nhiều hơn tới các hộ làng nghề. Chính phủ đã cam kết kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa. Cần có cơ chế chính sách riêng nhằm hỗ trợ các làng nghề gỗ; chính sách, cơ chế hỗ trợ hình thành liên kết giữa công ty và các hộ làng nghề; truyền thông thay đổi thói quen người tiêu dùng trong việc sử dụng gỗ quý; ưu tiên sử dụng các sản phẩm hình thành do liên kết thông qua mua sắm công; hỗ trợ đào tạo, tập huấn các hộ làng nghề.

Đối với các doanh nghiệp, nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể với các hộ. Hợp tác dựa trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, dựa trên các thế mạnh của mỗi bên. Nên coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách dời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu.

Các làng nghề cần cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thông qua kênh của hiệp hội/hội làng nghề; thực hiện chuyển đổi – có thể thực hiện theo từng bước; tranh thủ cơ hội hợp tác với các công ty: công ty đi tiên phong trong việc dẫn dắt thị trường; hình thành tổ nhóm có nhiều tương đồng, kết nối với công ty nhằm giảm chi phía giao dịch trong liên kết.

Nguyễn Hạnh




Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang