VI / EN

Đề xuất đàm phán về Hiệp định thương mại gỗ với Vương quốc Anh

Để giúp đồ gỗ Việt thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Anh mà không phải gặp bất cứ rào cản nào khi hệ thống cấp phép FLEGT của Việt Nam bắt đầu đi vào vận hành, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có Công văn số 03/HHG-VP ngày 16 tháng 02 năm 2022 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đàm phán về Hiệp định thương mại gỗ với Vương quốc Anh.

Công văn nêu rõ, trong năm 2021, vượt qua các thách thức, khó khăn, những ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng ấn trượng trên 20% so với năm trước đó và đạt giá trị xuất khẩu gần 16 tỷ USD.

Ngoài các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Vương quốc Anh sau khi tách ra khỏi Liên minh châu Âu, hiện trở thành một trong những thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ sang Anh đạt 254,4 triệu USD tăng 14,5% so với năm trước đó, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành và chiếm tới 43% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang cả khối EU (597,76 triệu USD).

Để đẩy mạnh và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang các nước thuộc EU, năm 2018 Việt Nam đã ký Hiệp định định Đối tác tự nguyện (VPA) với EU, Hiệp định có hiệu lực vào năm 2019. Trong thời gian tới để hiện thực hóa Hiệp định, các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ cấp giấy phép (FLEGT) đối với các lô hàng xuất khẩu sang EU. Giấy phép này sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam được phép tiêu thụ thuận lợi tại tất cả các thị trường trong khối này. 

Kể từ tháng 1/2020 Vương quốc Anh đã chính thức tách khỏi khối EU. Điều này có nghĩa rằng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh trong tương lai cần phải tuân thủ với các quy định của Chính phủ Anh.

Về nguyên tắc sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu đã đáp ứng được các yêu cầu của VPA thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ Anh. Tuy nhiên, theo thông tin của một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, Chính phủ Anh sẽ không tự động chấp nhận giấy phép FLEGT mà doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng với các yêu cầu mới từ Chính phủ Anh.

Theo kinh nghiệm của Indonesia, quốc gia trước đó đã ký kết VPA với EU, nhưng sau đó đã ký với Vương quốc Anh Hiệp định UK-IndoVPA; hầu hết các nội dung cơ bản trong hiệp định này được dựa trên các nội dung của Hiệp định Indo – EU VPA được ký kết trước đó.

Để giúp đồ gỗ Việt thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Anh mà không phải gặp bất cứ rào cản nào khi hệ thống cấp phép FLEGT của Việt Nam bắt đầu đi vào vận hành; tiếp theo đề xuất tại Văn bản số 74/HHG-VP ngày 30/09/2021 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mới đây (ngày 16/2) Hiệp hội tiếp tục có công văn số 03/HHG-VP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thảo luận với các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh về kế hoạch đàm phán để đi đến ký kết giữa 2 Chính phủ về một Hiệp định thương mại gỗ giữa Việt Nam và Anh (Vietnam – UK VPA) hoặc công nhận nội dung Hiệp định FLEGT VPA mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với EU để được áp dụng tại thị trường Anh.

Gỗ Việt





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang