Cước vận chuyển quốc tế còn bất ổn
Đó là thông tin từ hội thảo “Xu hướng logistics trong tình hình mới – Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng để phát triển”, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) tổ chức ngày 14-4 tại TP HCM.
Thông tin từ HAWA, tắc nghẽn giữa các cảng đã làm cho chi phí của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ bị đội lên khá cao. Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo phí vận tải tăng trong khi giá nguyên liệu gỗ vẫn đang tiếp tục tăng chưa có điểm dừng. Tuy nhiên, DN đang có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại nhiều thị trường trên thế giới do khá nhiều nhà mua hàng chuyển dịch sang Việt Nam. Để đáp ứng đơn hàng tăng cao, các DN cần hợp tác để mua chung nguyên liệu gỗ với số lượng lớn để có cơ hội đàm phán với giá tốt; song song đó là đầu tư công nghệ, hạn chế lệ thuộc vào lao động chân tay, hợp tác tạo chuỗi cung ứng để giảm chi phí.
Bà Phạm Mỹ Lệ, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết thời gian qua giá cước vận tải biển tăng rất cao, nhất là xuất hàng đi Mỹ dẫn đến thiếu container rỗng, chưa kể tàu bị kẹt trên biển và kẹt tại các cảng. Trung Quốc đang thực hiện “zero Covid” nên nhiều cảng của họ bị đóng cũng đã ảnh hưởng đến nhiều cảng trên thế giới.
Để giảm chi phí vận chuyển, Tân Cảng Sài Gòn kết nối với các cơ sở, nâng cấp hệ sinh thái số, tổ chức nhiều cảng tại một số địa phương ở Bình Dương, Đồng Nai để kết nối với các cảng Cát Lái, Cái Mép, giúp giảm chi phí vận tải từ 10%-30%. Một giải pháp khác là tổ chức đưa container rỗng đến DN xuất khẩu, xây dựng các chương trình phần mềm về kho, thủ tục hải quan. Phát triển chợ gỗ nguyên liệu, phụ liệu, xây dựng nhiều điểm trung chuyển, cung cấp các dịch vụ liên quan cho DN xuất khẩu gỗ.
Bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng Ban Vận tải – Ủy viên BCH Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), lưu ý các DN cần tìm hiểu giá cả của các hãng tàu công bố cho cả năm để đàm phán hợp đồng. Ngoài ra, cần tìm hiểu từ hãng tàu để biết container rỗng của họ đang ở đâu để đàm phán, giành quyền đặt tàu và chủ động nhập nguyên liệu. “DN xuất hàng đi Mỹ không ký trực tiếp được với hãng tàu thì nên ký kết với các đại lý cấp 1 có uy tín, có giấy phép được cấp từ Cục Hàng hải liên bang của Mỹ để có được giá cước rẻ hơn 3.000-4.000 USD/container. Ngoài ra, các phụ phí mà đại lý cấp 2, cấp 3 thường đưa ra rất cao, DN cần phải kiểm soát để hạn chế phí chồng phí” – bà Lan nêu kinh nghiệm.
Cũng theo bà Lan, các hiệp hội cần liên kết, phối hợp để kiểm soát các loại phí, giảm thiệt hại cho DN xuất khẩu. Diễn biến chiến sự Nga và Ukraine vẫn còn phức tạp, do đó giá xăng dầu chưa thể ổn định trong năm 2022 sẽ tác động trực tiếp lên giá xăng dầu và vận chuyển quốc tế lẫn nội địa. Tình trạng kẹt cảng trên thế giới sẽ còn kéo dài, đặc biệt tại các cảng trung chuyển lớn ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc nên cước vận chuyển quốc tế sẽ tiếp tục bất ổn.
Tải tài liệu hội thảo tại đây
Nguồn: Nguyễn Hải – Báo Người Lao Động