VI / EN

Cổ phiếu ngành gỗ đột ngột tăng trần: Xuất khẩu khởi sắc, đơn hàng đã nhận đến hết quý II, tuy nhiên doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi thiếu hụt gỗ nguyên liệu quy mô toàn cầu

Tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang tạo ra những cơ hội tăng trưởng cho ngành gỗ Việt Nam nhưng đi kèm với đó là những khó khăn thử thách các doanh nghiệp.

Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần 11/3, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, VN-INDEX mất 12,54 điểm, tương ứng giảm 0,85%. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu gỗ lại bất ngờ lội ngược dòng đồng loạt tăng trần, thanh khoản cao đột biến.

Kết phiên 11/3, nhiều mã cổ phiếu gỗ mang sắc tím như GDT của CTCP Gỗ Đức Thành ( 7%), GTA của CTCP Gỗ Thuận An ( 7%), TTF của CTCP Gỗ Trường Thành ( 7%), PTB của CTCP Phú Tài ( 7%) và MDF của CTCP MDF VRG – Quảng Trị ( 15%).

Ngoài ra, các mã ngành gỗ khác cũng tăng tích cực trong phiên gồm VIF của Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam tăng 7,1%, BKG của CTCP Đầu tư BKG tăng 6,3%, SAV của CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex tăng 3,4%, AGC của CTCP Gỗ An Cường tăng 0.4%.

 

Những cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam

Giá cổ phiếu gỗ tăng mạnh trước thông tin Nga cấm xuất khẩu một số mặt hàng trong đó có một số loại lâm sản và sản phẩm gỗ. Việc này sẽ giúp đẩy cho giá những sản phẩm về gỗ sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland đánh giá về cơ hội mở ra với ngành gỗ là khi các nhà sản xuất nội thất ở EU cũng thiếu nguồn nguyên liệu từ Nga cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất..

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt 1,5 tỷ USD/tháng, ghi dấu lần thứ 3 chạm cột mốc này sau tháng 3 và tháng 6 năm 2021. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022.

Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ nhiều nhất của Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt 928 triệu USD.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự báo sẽ khởi sắc, khi thị trường bất động sản tại nhiều thị trường lớn trên thế giới sôi động trở lại, nhiều dự án được khởi công, tiếp tục triển khai cộng với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022, việc giao thương với các nước sẽ thuận lợi hơn.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022, quy mô của các đơn hàng đang tăng lên mạnh, các nhà máy chế biến gỗ đang gia tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Khó khăn từ nguồn cung gỗ nguyên liệu thế giới co hẹp, giá gỗ nguyên liệu tăng

Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng xung đột Nga – Ukraina sẽ có thể làm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga bị co hẹp, điều này tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu trong tương lai.

Nga là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên vô cùng lớn – 815 triệu ha – lớn gấp gần 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương với 10% lượng cung toàn cầu (Malgules Groome, 2021). Theo WRI năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nga đạt khoảng 12,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ nguyên liệu. Nga hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ.

Nguồn: Gỗ Việt

Theo báo cáo, tuy rằng nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam nhỏ, suy giảm hoặc mất hẳn nguồn này trong tương lai sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể tới nguồn cung gỗ Việt Nam. Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Thế nhưng nếu lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn.

Nguồn: Gỗ Việt

Báo cáo chỉ ra các tác động có thể kể đến như là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho biết, với tình hình căng thẳng hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã gọi điện cho các nhà cung cấp và giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Bởi, EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga. Việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải cạnh tranh rất cao và bên cạnh đó, giá cước tàu vận chuyển thời gian tới cũng sẽ tăng.

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đại diện một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Quy Nhơn cho biết, hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà doanh nghiệp này mua chỉ là 172-175 USD/m3. Tương tự, một doanh nghiệp khác tại Quy Nhơn cũng chia sẻ, có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử.

Sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga gia tăng cũng là nguyên nhân hình thành các rủi ro mới về mặt môi trường và xã hội. Gần đây, vào ngày 8/3/2022 vừa qua, Hội đồng quản lý rừng FSC cho biết "Sẽ không có nguyên liệu gỗ nào từ Nga và Belarus được Hội đồng quản lý rừng FSC chứng nhận cho đến khi cuộc chiến kết thúc".

Ngoài ra, nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga, Nguồn gỗ rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trong nước có chất lượng.

toquoc.vn





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang