VI / EN

“Cú huých” xuất khẩu từ những FTA thế hệ mới

Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những FTA thế hệ mới, là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp XK hàng hoá thu về con số ấn tượng trên 336 tỷ USD trong năm 2021. Đây tiếp tục được nhìn nhận là động lực mấu chốt góp phần hiện thực hoá mục tiêu XK trên 356 tỷ USD năm 2022.

 

Xuất khẩu tăng mạnh tại thị trường có FTA

 

Nhìn nhận lại quá trình khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy XK hàng hoá thời gian qua, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Về mặt con số cụ thể, kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực (14/1/2019), kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng cao. Như năm 2021 XK sang Canada tăng 19,5%, XK sang Mexico tăng 46,1%...
 

Tương tự, với EVFTA, sau gần 1,5 năm thực thi đã đem lại những kết quả rất khả quan. Năm 2021, thương mại hai chiều đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%. Trong đó, Việt Nam XK sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%; EU XK sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5%. Kim ngạch XK của Việt Nam sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Điều này cho thấy nhiều DN Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Sẽ là thiếu sót nếu đề cập tới việc tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà không nhắc tới Hiệp định UKVFTA. “Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực triển khai đàm phán UKVFTA ngay sau khi Anh chính thức ra khỏi EU để các DN XK sang thị trường này không bị gián đoạn. Kết quả, ngay từ 1/1/2021, các mặt hàng XK Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA. Trong năm 2021, XK của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao 15,4%”, bà Trang nói.

Từ góc độ DN, ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) chia sẻ, năm 2021, XK của Công ty đạt hơn 110 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2020. Một trong những yếu tố nổi bật giúp DN đứng vững và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 chính là những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. “Các FTA mang lại những cơ hội XK lớn cho DN, đồng thời đó cũng là ưu thế cạnh tranh lớn của DN Việt trên sân chơi chung toàn cầu”, ông Lộc đánh giá.

Đáp ứng tốt yêu cầu xuất xứ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, năm 2022, các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã qua gia đoạn thực thi ban đầu, DN đã dần thích nghi với các cam kết của FTA cùng với lộ trình thuế NK của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Điều này tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh. “Giá hàng hóa XK có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bên cạnh EVFTA, CPTPP, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng sẽ tạo lập một thị trường XK ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2022.

Đánh giá sâu về FTA này, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP là FTA lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

“Việc thành lập RCEP đã kết nối 4 FTA của ASEAN (FTA ASEAN-Trung Quốc; FTA ASEAN-Hàn Quốc; FTA ASEAN-Nhật Bản; FTA ASEAN-Australia-New Zealand-PV) thành hiệp định chung. Lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Như vậy, DN sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho DN không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định”, bà Mai phân tích.

Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, trong đó, cần tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP…; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, cơ cấu lại các ngành hàng XK hiệu quả.

“Tập trung phát triển XK sang các khu vực thị trường và mặt hàng XK mới, đẩy mạnh XK thông qua các nền tảng số”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA, bà Nguyễn Cẩm Trang lưu ý: “Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho DN khi XK. Điều kiện cần là sự nỗ lực của các DN trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường NK, từ đó tận dụng ưu đãi”.

Đề cập tới riêng câu chuyện tại thị trường New Zealand (thành viên của Hiệp định CPTPP và Hiệp định RCEP), đại diện Thương vụ Việt Nam tại New Zealand lưu ý: các DN khi đầu tư, kinh doanh tại thị trường New Zealand cần xác định hàng hóa đó có trải qua các thay đổi hoặc chuyển đổi cần thiết để được coi là có xuất xứ tại quốc gia đề nghị ưu đãi thuế hay không. Bởi trong mỗi FTA mà New Zealand ký kết với các đối tác có quy định các phương pháp hoặc tiêu chí xuất xứ khác nhau. Hàng hóa đủ điều kiện xác định xuất xứ từ một quốc gia hoặc nhóm quốc gia cụ thể phải thuộc một trong các tiêu chí xuất xứ được quy định theo thỏa thuận thương mại hoặc chương trình ưu tiên cụ thể...

Đặt nhiều kỳ vọng vào các FTA trong XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN ngành gỗ có đủ thời gian thích nghi, tuân thủ tất cả các quy định, yêu cầu theo lộ trình thực hiện cam kết trong các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. “Ngoài ra, trong năm 2022, DN ngành gỗ vẫn đứng trước nhiều khó khăn như thiếu tàu vận tải biển dẫn tới chi phí logistics tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Để duy trì sản xuất, tăng trưởng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng cảng biển, cắt giảm các loại phí trong lĩnh vực hàng hải, tăng lượng container và tàu biển nhằm hỗ trợ giảm giá cước vận tải biển các tuyến Hoa Kỳ, Anh, EU...”, ông Thiện nhấn mạnh.

Gỗ Việt (Nguồn haiquanonline.com.vn)





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang